Thứ bảy, Ngày: 02/12/2023

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: “GIA ĐÌNH THĂNG LONG – HÀ NỘI”

26/06/2023 Cỡ chữ: A-   A+  In bài viết

Biên soạn: GS.TS. Lê Thị Quý
Nxb. Hà Nội
Năm 2019, 456tr.

Gia đình được coi là nền tảng của xã hội, là cội nguồn cho sự phát triển mỗi con người, sự thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Là thủ đô nghìn năm tuổi, từ lâu Thăng Long - Hà Nội đã trở thành biểu tượng của người Việt Nam với những giá trị văn hiến được duy trì, phát triển lâu đời. Tạo nên những giá trị bền vững cho mảnh đất này không thể không nói đến vai trò của gia đình Thăng Long - Hà Nội.

Cuốn sách “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, được xuất bản năm 2019. Sách do GS.TS. Lê Thị Quý, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về đề tài gia đình, tổ chức biên soạn. Bằng nhiều nguồn tài liệu và cách tiếp cận liên ngành, tiếp cận về Lịch sử, Văn học, Triết học, Văn hóa học, Xã hội học, Gia đình học, tác giả đã làm rõ những yếu tố hình thành, những đặc trưng cơ bản, quá trình biến đổi của gia đình Thăng Long -  Hà Nội trong tiến trình hơn 1000 năm lịch sử, đồng thời đặt ra những vấn đề của gia đình Thủ đô trong thời điểm hiện nay.

Cuốn sách gồm 5 phần:
Phần thứ nhất: Một số vấn đề lý luận về gia đình. Đề cập đến các khái niệm và định nghĩa về gia đình, cùng với các hình thức và chức năng của gia đình. Ngoài ra, cuốn sách cũng trình bày lý luận về gia đình từ góc nhìn của chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng của Hồ Chí Minh.

Phần thứ hai: Quá trình hình thành và phát triển của gia đình Việt Nam và gia đình Thăng Long - Hà Nội qua các truyền thuyết và câu chuyện lịch sử. Tập trung khái quát những đặc điểm tự nhiên và xã hội của Thăng Long - Hà Nội trước năm 1010, cũng như sự hình thành gia đình Việt Nam và Thăng Long; các hình thức hôn nhân đầu tiên.

Phần thứ ba: Gia đình Thăng Long - Hà Nội (Thời kỳ phong kiến ở Việt Nam tới trước khi Thực dân Pháp xâm lược, thời gian từ 1010 - 1858). Giới thiệu gia đình Thăng Long trong quá trình biến đổi lịch sử, đồng thời tập trung vào vấn đề giáo dục hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức và văn hóa gia đình. Các vấn đề này bao gồm giáo dục lòng yêu nước, lòng yêu nhân dân và tình cảm cộng đồng; giáo dục về trật tự và tình cảm trong gia đình; giáo dục nhân cách trong gia đình và xã hội; cũng như vai trò của gia đình trong việc hình thành tài năng và nhân cách con người thông qua một số danh nhân.

Phần thứ tư: Gia đình Hà Nội trong thời kỳ thực dân nửa phong kiến - Thời kỳ gặp gỡ của xã hội nông nghiệp với xã hội công nghiệp (1858 - 1945). Giới thiệu về sự giao thoa và biến đổi của văn hóa Pháp - Việt, và ảnh hưởng đặc biệt của văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp. Cuốn sách cũng đề cập đến chủ đề gia đình trong các tác phẩm văn học thời kỳ này, và giới thiệu nhóm Tự lực văn đoàn cùng các tác phẩm của nhóm xoay quanh đề tài gia đình.

Phần thứ năm: Gia đình Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1954 - 2017). Giới thiệu về các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến xây dựng gia đình hiện đại. Cuốn sách cũng phân tích những biến đổi của gia đình Hà Nội hiện nay từ góc độ xã hội học, đồng thời đưa ra những đặc điểm định hướng và dự báo về sự phát triển của gia đình ở Hà Nội.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết của tác giả, phản ánh tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế, tôn giáo đến sự biến đổi của gia đình, làm rõ đặc trưng riêng của các loại gia đình tiêu biểu trong từng thời kỳ lịch sử, những giá trị, đặc trưng cơ bản của gia đình Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách góp phần giáo dục về nhận thức, bồi đắp lòng tự hào và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, cuốn sách còn dự báo xu hướng phát triển của gia đình theo hướng hiện đại với các chuẩn mực mới, đáp ứng nhu cầu con người với lối sống công nghiệp, năng động, sáng tạo trong giai đoạn đất nước đang thời kỳ chuyển đổi, phát triển và hội nhập.

Sách được phục vụ tại Thư viện Hà Nội.

Ký hiệu sách: HVL4004, DC004105, VL54676, VL003542

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Số lượt xem: 266