Thứ bảy, Ngày: 02/12/2023

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: “THẬP TAM TRẠI - MỘT VÙNG VĂN HÓA THĂNG LONG – HÀ NỘI”

15/08/2022 Cỡ chữ: A-   A+  In bài viết

Nxb. Khoa học xã hội
Năm 2010,  310tr.

Thập Tam Trại theo các nhà nghiên cứu văn hóa là vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long, gồm các trại Ngọc Hà, trại Hữu Tiệp, trại Đại Yên, trại Liễu Giai, trại Vĩnh Phúc, trại Cống Yên, trại Cống Vị, trại Thủ Lệ, trại Vạn Phúc, trại Kim Mã, trại Ngọc Khánh, trại Giảng Võ, trại Hào Nam, trại Xuân Biểu. Vùng đất này trừ trại Hào Nam về cơ bản tương đương với tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận xưa; nay nằm chủ yếu trên địa bàn quận Ba Đình.

Cuốn sách “Thập Tam Trại - Một vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội” do UBND quận Ba Đình chỉ đạo biên soạn, nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 2010 nhằm giới thiệu một vùng văn hóa với những đặc trưng riêng của Thăng Long - Hà Nội.

Sách gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Thập Tam Trại - vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long
Phần thứ hai: Thập Tam Trại - một vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Phần thứ ba: Một số tư liệu văn hiến vùng Thập Tam Trại

Phần thứ nhất khái quát vài nét về lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ từ tiền sử và sơ sử, thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, thời kỳ định đô đến đô hộ của Pháp. Trong đó, đô thị Thăng Long - Hà Nội đã có những thay đổi, biến chuyển trên tất cả các lĩnh vực.

Phần này cũng khái quát lịch sử vùng Thập Tam Trại từ tên gọi và biến đổi diên cách, lịch sử hình thành vùng đất Thập Tam Trại qua các nguồn sử liệu, qua những phát hiện khảo cổ học và qua khảo sát thực tế. Người dân nơi đây tự nhận mình là con cháu dòng dõi Hoàng Lệ Mật (Gia Lâm) sang đây khai hoang lập ấp từ thời Lý. Sách cũng kể lại một huyền tích khác về nguồn gốc của Thập Tam Trại liên quan đến hoàng tử Lý Lang Công (Trung Dũng Vương). Tuy nhiên, căn cứ vào sự thu hẹp, mở rộng của Hoàng thành Thăng Long qua các thời đại thì có thể khẳng định khu Thập Tam Trại được ra đời vào cuối Lê, đầu Nguyễn, đón nhận hai luồng di cư từ Lệ Mật (Gia Lâm) và vùng Thanh Nghệ. Cùng quá trình tụ cư, sinh sống, một vùng văn hóa dần được hình thành vừa mang đặc trưng của mảnh đất ngàn năm văn hiến, vừa mang tinh hoa truyền thống văn hóa của những người dân đến đây sinh sống.

Phần thứ hai phản ánh đời sống vật chất và đời sống văn hóa của cư dân Thập Tam Trại. Phần này giới thiệu sơ lược về địa giới, dân số và các họ lớn trong  Thập Tam Trại cho đến những nét đặc trưng ẩm thực, trang phục, nhà ở, đi lại…

Về đời sống kinh tế, dân cư các trại sống chủ yếu bằng nghề nông trừ các trại Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Thủ Lệ, Hào Nam ruộng đất quá ít, phải làm thêm nghề phụ như khai thác thủy sản, trồng hoa, làm nghề thuốc. Mặc dù thuộc kinh thành Thăng Long nhưng đời sống kinh tế của vùng này khác hẳn khu vực 36 phố phường đông vui, sầm uất.

Về đời sống văn hóa, phần này cung cấp bảng thống kê về hệ thống 62 di tích đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, văn chỉ của các trại; các thành hoàng làng được thờ tại đình của các trại như Đức Thánh Lệ Mật, Linh Lang Đại Vương, Bố Cái Đại Vương, Huyền Thiên Hắc Đế…; về hệ thống các đền, chùa, miếu, văn chỉ, nhà thờ Thiên Chúa giáo của vùng; các lễ Tết trong năm, các phong tục tập quán lễ nghi; về sinh hoạt dòng họ, tôn giáo, tín ngưỡng; về lễ hội tại các trại và tục rước giao hảo, tục kết chạ, trò chơi dân gian.

Phần thứ ba cung cấp một số tư liệu văn hiến như hương ước làng Ngọc Hà, hương ước làng Vĩnh Phúc; địa bạ các thôn Bảo Khánh, Tào Mã, thôn Trung (trại Giảng Võ), địa bạ thôn Cống Yên (trại Vĩnh Phúc), địa bạ các trại Cống Vị, Đại Yên, Hào Nam, Liễu Giai, Ngọc Hà (lập các năm 1805 và 1837), Thủ Lệ, Vạn Bảo. Phần này cũng giới thiệu thư mục văn bia, hương ước, thần tích thần sắc vùng Thập Tam Trại.

Cùng với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội, hầu hết các làng trong Thập Tam Trại ngày nay đều đã được đô thị hóa, trở thành những khu phố sầm uất. Bởi thế, những trang viết của Thập Tam Trại - Một vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nộinhư  đưa ta vào cuộc hành trình ngược thời gian về miền đất xưa cũ, ôn lại lịch sử hình thành, phát triển của vùng Thập Tam Trại, giúp ta thẩm thấu nét đặc sắc và giá trị văn hoá của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; đồng thời góp phần giao lưu, thúc đẩy mối liên hệ cộng đồng giữa các làng trại hướng tới phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Sách được phục vụ tại Thư viện Hà Nội.
Ký hiệu sách: HVL4025

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Số lượt xem: 978