Thứ bảy, Ngày: 02/12/2023

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: “CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở HÀ NỘI”.

19/08/2022 Cỡ chữ: A-   A+  In bài viết

Chủ biên: Nguyễn Đình Lê
Nxb. Hà Nội
Năm 2010,  295tr.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử Hà Nội nói riêng. Trong đó, thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội  có vai trò quyết định cục diện cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước. Xét trong chiều dài lịch sử, đó là một mốc son chói lọi trên chặng đường lịch sử 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Cuốn sách Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội thuộc Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, được thực hiện theo sự chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội. Cuốn sách do  PGS.TS. Nguyễn Đình Lê (chủ biên) cùng các cộng sự biên soạn đã tái hiện một cách trung thực, đầy đủ và sinh động tiến trình Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội đồng thời nêu bật vai trò của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội đối với Cách mạng tháng Tám trong cả nước.

Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1: Khái quát phong trào cách mạng ở Hà Nội trước năm 1939
Chương 2: Phong trào đấu tranh cách mạng từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1945
Chương 3: Từ cao trào kháng Nhật đến Tổng khởi nghĩa, xây dựng chính quyền nhân dân (từ 12/3 đến 2/9/1945)
Chương 4: Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và kinh nghiệm rút ra từ Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội

Chương 1 phản ánh về phong trào cách mạng dân tộc từ đầu thế kỷ XX đến năm 1939.  Trong đó giới thiệu sơ lược về phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản những năm đầu thế kỷ XX. Trong những năm nửa sau của thập kỷ 1920, nhiều tổ chức yêu nước được thành lập tại Hà Nội trong đó có Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có vai trò nổi bật hơn cả, cơ sở quần chúng ngày càng được mở rộng. Khởi đầu từ Hà Nội, phong trào “vô sản hóa” sau đó phát triển khắp cả nước. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt cho lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với nhân dân Hà Nội. Trong thời kỳ khủng bố trắng của thực dân Pháp (1931-1935), cuộc đấu tranh cách mạng ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, Nhà tù Hỏa Lò, nơi giam giữ những chiến sĩ cộng sản trở thành một trong những  tâm điểm của phong trào cách mạng. Chuyển sang những năm 1936 - 1939, Hà Nội là nơi có phong trào đấu tranh công khai sôi động nhất cả nước.

Chương 2 phản ánh phong trào đấu tranh cách mạng từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1945. Trước khi Nhật nhảy vào Đông Dương, Hà Nội là địa bàn điển hình diễn ra mâu thuẫn đối kháng giữa nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp. Từ cuối tháng 9-1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, khiến mâu thuẫn và cuộc đấu tranh mới xuất hiện càng làm phức tạp hơn chính trường Hà Nội. Cuộc đấu tranh sinh tử giữa nhân dân Việt Nam với Nhật và giữa nhân dân Việt Nam với Pháp diễn ra trên cả nước nhưng đầu mối và biểu hiện xung đột tập trung sâu sắc nhất tại Hà Nội.

Từ năm 1939 đến 1943, dưới  sự khủng bố, đàn áp của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lực lượng cách mạng Hà Nội bị tổn thất nặng nề. Số lượng đảng viên và các cơ sở chính trị trong quần chúng nhân dân bị suy giảm nghiêm trọng. Hội Ái hữu bị địch khủng bố, các tổ chức Mặt trận Việt Minh không thể mở rộng. Đến cuối năm 1944, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy, tổ chức Đảng Hà Nội dần dần phục hồi, các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh ở Hà Nội ngày càng thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt quyết định thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội tháng 8 năm 1945.

Chương 3 phản ánh không khí sôi sục đấu tranh trước khởi nghĩa ở Hà Nội, các cao trào kháng Nhật cứu nước, làm rõ các bước phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nộị, để từng bước giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Hà Nội.

Đúng 11 giờ ngày 19 tháng 8 năm 1945, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát Lớn, đại diện Ủy ban khởi nghĩa đọc lời “Hiệu triệu của đại biểu Việt Minh” kêu gọi khởi nghĩa. Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị vũ trang, tự vệ dẫn đầu đã chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát, Trại Bảo An… Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng vũ trang, tự vệ, hầu hết các công sở chính quyền Bảo Đại - Trần Trọng Kim đều nhanh chóng về tay nhân dân. Bằng sự kiện nhân dân Hà Nội giành được chính quyền ngày 19-8-1945, toàn bộ hệ thống cai trị của địch bị tê liệt và sụp đổ, tạo đà thuận lợi để nhân dân các địa phương khác tiến lên giành chính quyền.

Chương 4 khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, xác định đúng thời cơ giành chính quyền, chuẩn bị lực lượng lâu dài, sử dụng bạo lực cách mạng hợp lý cùng với truyền thống yêu nước, vì độc lập tự do của dân tộc của nhân dân Hà Nội là những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945). Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công - đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cuốn sách “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội” là công trình đầu tiên mang tính tổng quan, nghiên cứu một cách toàn diện cuộc cách mạng tháng Tám ở Hà Nội. Cuốn sách không chỉ có ý nghĩa góp phần tô dày thêm tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” mà còn có giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời là một tài liệu có ích đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là về thủ đô Hà Nội.

Sách được phục vụ tại Thư viện Hà Nội.
Ký hiệu sách: DM17566, M125071, M125072, PM027742, VL40560, VL40561, VV008914, HVL3160, HVL3161

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Số lượt xem: 916